Nhờ căn cứ vào cuộc đời của Đức Phật, chúng ta có thể hiểu được những khía cạnh nền tảng của sự thiền định và cách hành xử như một hành giả Pháp. Mặc dù nhiều người chỉ nhìn cuộc đời Đức Phật như một câu chuyện lịch sử, và điều đó có thể khơi dậy đôi chút hứng khởi, nhưng họ không thấy được những gì sâu xa hơn thế nữa.
Tuy nhiên, cuộc đời của Đức Phật có thể xem là một điển hình chung cho mỗi người cũng như tất cả chúng ta. Nếu ta phân tích tiểu sử của Ngài và suy ngẫm về nó, ta có thể thấy được trong đó bao gồm những giáo lý và mẫu mực để chúng ta noi theo như thế nào.
Đức Phật sinh ra là một thái tử của Ấn Độ cổ xưa. Vào lúc đó, xã hội Ấn Độ có bốn giai cấp chính. Dĩ nhiên giai cấp cao nhất là giai cấp Bà-la-môn (các tăng lữ). Giai cấp thứ hai là giai cấp của vua chúa cầm quyền và các chiến sĩ, Đức Phật thuộc giai cấp thứ hai này.
Cuộc đời Ngài là một mẫu mực cho chúng ta, nó gửi tới các hành giả một thông điệp rất quan trọng. Đức Phật được sinh ra như một người thật bình thường và đã sống theo cách bình thường như thế. Ngài không là một vị trời hay một bậc siêu nhiên tương tự. Thay vào đó, Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành đã trở nên một hiện thể đặc biệt. Trước hết, Ngài từng sống như một người không giác ngộ, điều này rất quan trọng.
Ngay lúc này đây, chúng ta cũng là những người đàn ông, những phụ nữ bình thường. Nếu Đức Phật chỉ là một hiện thể đặc biệt, là bậc sinh ra vốn đã sẵn được "giác ngộ," thì câu chuyện đời Ngài sẽ không có gì đặc biệt! Chuyện đời Ngài hẳn sẽ không có chút ý nghĩa gì, bởi những chúng sinh bình thường như ta sẽ mãi mãi bị dính cứng trong vị trí của chúng sinh tầm thường; ta sẽ chẳng bao giờ đạt được giác ngộ.
Vì thế, Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, được sinh ra là Siddharta Guatama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Ngài đã sống với chủ đích làm một gương mẫu cho chúng ta noi theo.

Share This eBook: